Thời gian qua, sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh cơ bản giữ được ổn định và đạt được những kết quả khả quan. Ðây có thể coi là tiền đề để kỳ vọng vào sự bứt phá của các doanh nghiệp (DN) trong “chặng đua” cuối cùng của năm 2016.
Đầu năm 2016 đến nay, tình hình kinh tế – chính trị thế giới diễn biến khá phức tạp. Trong đó, đà phục hồi kinh tế tuy có chuyển biến song khá chậm và chưa rõ nét. Đồng thời, việc đồng Euro tiếp tục mất giá làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nhất là xuất vào thị trường châu Âu (EU). Bên cạnh đó, các nước EU tiếp tục đưa ra những “rào cản kỹ thuật” nhằm áp đặt đối với sản phẩm của các DN.

Không chỉ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các DN trong nước còn gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên vật liệu đầu vào, hàng hóa thiết yếu tăng; thiếu nguyên liệu sản xuất… Trong bối cảnh khó khăn, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, củng cố nhân sự, lao động, đổi mới công nghệ, cải tiến trang thiết bị nhằm giữ vững và phát triển SXKD.
Ông Đoàn Minh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Tài, cho biết: Ngay từ đầu năm 2016, Công ty đã đề ra mục tiêu, giải pháp SXKD cụ thể, sát với thực tế. Tính đến cuối tháng 10.2016, doanh thu của Công ty đạt khoảng 2.922 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015; lợi nhuận sau thuế ước 216 tỉ đồng, tăng 43%. Công ty phấn đấu đến cuối năm 2016 đạt doanh thu 3.380 tỉ đồng; lợi nhuận 230 tỉ đồng.
Theo ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đầu năm 2016 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn song các DN trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực vượt khó, vươn lên. Trong tháng 10.2016, chỉ số SXCN toàn tỉnh tăng gần 8% so với cùng kỳ. Trong 25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có 10 sản phẩm tăng cao hơn mức tăng chung toàn tỉnh như: thức ăn chăn nuôi (tăng gần 82%), đá ốp lát (tăng gần 53%), các khung bằng thép (tăng gần 51%), giày dép (tăng gần 22%), tấm lợp kim loại (tăng 21,5%), tôm đông (tăng 18,4%)… Lũy kế 10 tháng đầu năm 2016, chỉ số SXCN toàn tỉnh tăng 7,24% so với cùng kỳ năm 2015.

Nỗ lực bứt phá
Có thể nói, kết quả hoạt động SXCN mà các DN trên địa bàn tỉnh đạt được từ đầu năm 2016 đến nay là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo ông Võ Mai Hưng, bên cạnh sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực SXCN, vẫn còn một số lĩnh vực hoạt động cầm chừng, thậm chí có sự suy giảm. Đơn cử như sự sụt giảm chỉ số SXCN của ngành công nghiệp khai thác (giảm 16,34% so với cùng kỳ năm 2015) và công nghiệp sản xuất, phân phối điện (giảm gần 3%). Ngoài ra, một số sản phẩm khác cũng có sự giảm sút như: tinh bột sắn (giảm gần 73%), ghế gỗ (giảm gần 37%), đá chế biến (giảm 36,3%)…
Cũng theo ông Võ Mai Hưng, trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được và cả những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong hoạt động SXCN từ đầu năm 2016 đến nay, Sở Công Thương đã đề ra một số nhiệm vụ, mục tiêu của ngành trong tháng 11 và thời gian còn lại của năm 2016. Theo đó, Sở Công Thương xác định: Trong tháng 11.2016, sẽ phấn đấu đạt chỉ số SXCN tăng 8% để cả năm 2016 đạt chỉ số SXCN tăng 8,5% so năm 2015 và giá trị SXCN tăng 12,5%.
Để đạt được mục tiêu trên, các DN cần có sự nỗ lực lớn. Bởi lẽ, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, tình hình kinh tế – chính trị thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có các vấn đề: “hậu bầu cử Tổng thống” ở Mỹ, tiến trình của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tình hình các nước châu Âu khi Anh rời khỏi EU.
Để vượt qua những khó khăn, thử thách và hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Công Thương đã đề ra một số giải pháp chủ yếu: Nâng cao chất lượng quản lý công nghiệp; tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ về đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; đồng thời, chú trọng hỗ trợ cho nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, có tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh, nhất là các sản phẩm gỗ, dăm gỗ, đường, tinh bột sắn, thức ăn chăn nuôi, bia, may mặc, dược phẩm, thủy hải sản.
Theo VIẾT HIỀN Báo BĐ