Thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn được xác định là hai “cực tăng trưởng” trong phát triển KT-XH của tỉnh. Vấn đề đặt ra là hai địa phương này cần được định hướng một mô hình phát triển phù hợp. Ðồng thời, xác định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành kinh tế động lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế sẵn có để đưa An Nhơn trở thành đô thị loại III và huyện Hoài Nhơn trở thành đô thị loại IV vào năm 2025.
Với mục tiêu này, trung tuần tháng 12.2016 vừa qua, UBND tỉnh phối hợp Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung tổ chức hội thảo khoa học “Định hướng phát triển thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn- tỉnh Bình Định đến năm 2030”, với sự tham dự của các đại biểu Trung ương, địa phương cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học.
Quy hoạch phải gắn kết
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch – Trưởng Nhóm tư vấn phát triển vùng Duyên hải miền Trung – Hội thảo tập trung vào vấn đề định hướng phát triển cho hai địa phương rất quan trọng của Bình Định là thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn. Hiện nay, tỉnh đang quy hoạch phát triển KT-XH dài hạn, trong quá trình định hướng chung cho tỉnh, xem vị trí vai trò của thị xã An Nhơn đối với cực tăng trưởng phía Nam; huyện Hoài Nhơn được xác định là cực tăng trưởng phía Bắc.

Quan điểm phát triển của tỉnh và đội ngũ chuyên gia là không gói gọn không gian kinh tế hai địa phương nói trên mà quy hoạch gắn kết trong tổng thể phát triển chung của tỉnh, cũng như các vùng phụ cận. Với thị xã An Nhơn, đó là sự gắn kết như “chị em” với TP Quy Nhơn; còn Hoài Nhơn một phần lời giải được các chuyên gia đặt trong mối tương quan với các vùng lân cận của tỉnh lẫn sự phát triển cùng thế mạnh với các huyện Đức Phổ, Mộ Đức của tỉnh Quảng Ngãi.
“Hiện nay, các điều kiện để các địa phương nói trên phát triển lên là chưa đủ. Tuy nhiên, khi định hướng quy hoạch, chúng ta phải có mục tiêu dài hạn để phát triển, lộ trình phù hợp, chứ không khéo lại trở thành phát triển tự phát, phố không ra phố, xã không ra xã!” – tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Bùi Quang Bình- Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), cho rằng: “Phải định hướng phát triển thị xã An Nhơn nằm trong tổng thể chung không tách rời, không cạnh tranh với Quy Nhơn, mà là khai thác những “yếu điểm” của thành phố này. Quy hoạch phát triển như là một đô thị vệ tinh, kết nối nằm trong tổng thể thành phố lớn, chứ không nên tư duy An Nhơn từ thị xã lên thành phố là xong”.
Trong khi đó, mô hình phát triển của huyện Hoài Nhơn, theo PGS.TS Bùi Quang Bình, cũng phải đặt trong sự phát triển tổng thể của tỉnh, nhưng mở rộng ra quan hệ với các địa phương lân cận. Huyện Hoài Nhơn nên lấy huyện Đức Phổ – cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi – làm thế phát triển của địa phương mình, chứ không nên ở thế cạnh tranh.
Phát huy thế mạnh của từng địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng, thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn là hai trụ cột phát triển của tỉnh, cùng với TP Quy Nhơn tạo động lực kéo nền kinh tế của Bình Định đi lên. “Chúng tôi đi tìm mô hình phát triển chung cho An Nhơn, Hoài Nhơn và cho từng địa phương của tỉnh trong phát triển lâu dài. Còn nếu chỉ dừng chân như hiện nay, không tìm được hướng đi mới thì kinh tế của Bình Định sẽ tụt hậu. Phải nói rằng, tiềm năng thế mạnh của các địa phương rất lớn, nhưng chúng ta vẫn loay hoay, chưa phát huy hết được” – ông Hồ Quốc Dũng bày tỏ.

Tiến sĩ Võ Ngọc Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh, đã đặt ra nhiều vấn đề về sự phát triển toàn diện thị xã An Nhơn như: tập trung thu hút các nhà đầu tư lấp đầy vùng công nghiệp phía Nam quốc lộ 19, khu công nghiệp Nhơn Hòa và các cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh lớn sản xuất nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, chú trọng phát triển du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm với làng nghề truyền thống.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải – Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho rằng, để An Nhơn phát triển, cần tạo ra những đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển. Tập trung vào các giải pháp: hoàn thiện thể chế, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; nghiên cứu, triển khai áp dụng các cơ chế chính sách của Trung ương về huy động vốn phát triển cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh thu hút nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế; tăng cường kỷ luật tài chính gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Với huyện Hoài Nhơn, các chuyên gia đến từ Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng miền Trung đã nhấn mạnh “thế mạnh” của địa phương này, trong đó đặc biệt đề cao vai trò của ngành thủy sản trong sự phát triển KT-XH của huyện nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung. Hiện nay, Hoài Nhơn có khoảng 2.400 tàu cá, hoạt động trên khắp các ngư trường cả nước, hàng năm khai thác trên 45.000 tấn hải sản các loại, trong đó có trên 8.000 tấn cá ngừ đại dương và các loài hải sản có giá trị khác.
Để phát triển kinh tế biển, Hoài Nhơn cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân của Chính phủ; đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác và sản xuất; đào tạo đội ngũ ngư dân có trình độ, thực hiện tốt quy trình đánh bắt và bảo quản sản phẩm để có thể xuất khẩu; mời gọi nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác, chế biến thủy sản.
Bên cạnh đó, để phát triển bền vững ngành thủy sản cần phải tập trung nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh của các bên tham gia vào hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá; lành mạnh mối quan hệ giao dịch giữa bên mua và bên bán; đảm bảo về cơ sở vật chất, dịch vụ hỗ trợ và tăng cường công tác quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động mua bán, thúc đẩy khai thác và chế biến hải sản trên địa bàn.
THU HIỀN
Theo: http://baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=72342